Quần Cam

Good team, bad team

good-team-bad-team

Đây là câu hỏi rất hay được tranh luận trên các diễn đàn.

Thế nào là good team và bad team?

Có người bảo công ty cứ trả lương cao là tốt, có người cho rằng chỉ có công ty product mới có thể là good-team, có luồng ý kiến khác lại nói văn hóa công ty sẽ quyết định sự thành bại của một team.

Leo Tolstoy, tác giả của Chiến tranh và Hòa bình, đã từng nói rằng.

All happy families are all alike; every unhappy family is unhappy in its own way. - Leo Tolstoy

Thật ra câu trên đúng cho khá nhiều thứ, mình tin rằng good team cũng vậy.

All good teams are all alike; every bad team is bad in its own way.

Theo ngu ý của mình, một good team sẽ hội tụ đủ những yếu tố sau:

1. Trả lương tương xứng

Từng là một người đứng đầu công ty, mình rất hiểu và thông cảm rằng công ty có đủ thứ vấn đề để lo lắng, cả về hành chính lẫn tài chính. Công ty luôn mong muốn tìm được nhân viên trung thành, tận tụy với một mức lương “phải chăng”.

Nhưng rất tiếc là as a dev, I give it no (tạm dịch: tôi không quan tâm). Công ty có nỗi lo của công ty và tôi có vấn đề của tôi, tôi rất thông cảm nhưng chỉ thế thôi.

Hãy tự nhắc lại bản thân một chân lý.

Có thực mới vực được đạo. - ông bà ta

Không ai có thể mang bụng đói đi đánh giặc, dev cũng vậy. Dev cần tiền để trang trải cuộc sống gia đình, để thỏa mãn những đam mê cá nhân. Dev cần phải được trả lương tương xứng với năng lực và cống hiến.

2. Có văn hóa tốt

Để biết thế nào là văn hóa tốt thì cần phải làm rõ “văn hóa” là gì?

“Văn hóa” là một từ có nghĩa khá rộng, nôm na ở đây là cá tính công ty. Nó là tổng hợp của mọi thứ diễn ra trong đời sống văn phòng hằng ngày. Văn hóa công ty theo mình gồm hai yếu tố chính là: môi trường làm việc (working environment) và giá trị cốt lõi (core values).

Môi trường làm việc là bầu không khí ở nơi bạn làm việc, như công ty có trọng người tài hay không, có “cấu xé bè phái” hay không, có dung nạp “sự đa dạng” hay không?

Giá trị cốt lõi là mục tiêu và sứ mệnh của công ty, đại khái là công ty được lập ra để làm gì, ví dụ như thay đổi thế giới hay tạo ra những sản phẩm khiến chúng ta tự hào như Twitter.

Ví dụ như công ty Nhà Nước môi trường làm việc nặng cấp bậc, sặc mùi tiền bạc và có sứ mệnh là không thua lỗ.

Văn hóa của một team là tốt hay tệ tùy thuộc vào đánh giá của mỗi người, như vẫn có người bảo công ty Nhà Nước là tốt. Văn hóa tốt sẽ giúp phát huy tối đa khả năng của nhân viên theo hướng có lợi cho đôi bên.

Ví dụ như một dev tài năng nhưng không có tiền và “quan hệ” sẽ như cá gặp nước nếu vào đúng công ty có văn hóa công khai minh bạch trọng năng lực; cũng là anh ta sẽ không nên ứng tuyển vào những công ty nặng tính cấp bậc và đòi hỏi “nhất quan hệ nhì tiền tệ”.

Văn hóa cũng giúp định hình cơ cấu nhân sự công ty, theo thời gian văn hóa sẽ dung nạp những người phù hợp và đào thải những người không phù hợp. Giả sử một team có văn hóa “OT không biết ngày mai”, về lâu dài những người trụ lại sẽ là những người có thể lực dồi dào nhất, chứ không hẳn là những người giỏi nhất.

3. Khuyến khích nhân viên phát triển bản thân

Vài năm trước mình từng hỏi sếp vì sao công ty phải bỏ công ra đào tạo người trẻ, để rồi sau này đủ giỏi họ bỏ công ty đi làm chỗ khác? Câu trả lời của sếp lúc đó để lại rất nhiều ấn tượng cho mình: “Không đào tạo có giúp việc giữ họ dễ dàng hơn không? Hay chuyện sẽ còn tệ hơn cho chúng ta và khách hàng nếu dev của chúng ta không đủ giỏi”.

Một dev giỏi sẽ luôn trăn trở về việc làm thế nào để trở nên giỏi hơn. Rất nhanh họ sẽ nhảy việc nếu công việc thiếu thử thách hoặc cảm thấy bản thân đứng yên tại chỗ. Việc tạo điều kiện để dev nâng cao trình độ là cần thiết và thật ra việc này có lợi cho đôi bên. Dev sau khi được đầu tư sẽ trở nên giỏi hơn và từ đó, có thể đóng góp tạo ra nhiều giá trị hơn cho công ty.

Ví dụ về Good team

Một team có tốt hay không, như mình đã nói, tùy vào cách nhìn nhận của mỗi người. Mình tự thấy team hiện tại của mình ở Football Addicts là một good team.

1. Trả lương tương xứng

Mình hài lòng về mức lương hiện tại, mình đủ tiền để sống một cuộc sống mình thích và làm những điều mình muốn. #HẾT. Nếu không thì mình đâu có viết bài ca ngợi công ty. #ahihi

Không liên quan đến lương lắm nhưng đất nước nơi mình đang ở cũng góp phần làm cho mình an tâm vì hệ thống an sinh xã hội và y tế của nó. Đại khái là mình không phải lo lắng về việc chăm sóc sức khỏe của mình và người thân, nhiều người nói rằng ở tiền ở Việt Nam xài rất sướng cho đến khi phải xì tiền đi chữa bệnh gì đó. Đời không cho không ai cái gì, bù lại mình phải đóng khá nhiều thuế (chi tiết là gần 40% thu nhập), nhưng nó đáng đến từng xu.

2. Có văn hóa tốt

Một điều hơi khó tin là công ty của mình không có sếp, nó được chính sếp thiết kế để như thế 🤔.

Cơ cấu công ty mình là một cơ cấu phẳng, ai nấy tự quản lý chính mình, sếp hầu như không tồn tại. Quyền quản lý sản phẩm được trao cho Hội đồng sản phẩm (Product Council, gọi tắt PC), là tập hợp đại diện của những team đang tham gia phát triển sản phẩm. PC họp mỗi tuần một lần để quyết định hướng đi cho sản phẩm, sếp không tham gia hay tác động vào PC, vì anh ấy cho rằng chỉ những người trực tiếp phát triển sản phẩm mới biết cách làm điều tốt nhất cho nó.

Ở một môi trường dân chủ như vậy, mọi người được tự do tranh luận các vấn đề về sản phẩm mình làm. Một nhân viên dù lính mới hay lão làng cũng đều có quyền phát biểu ý kiến như nhau. Tranh luận là điều gần như bắt buộc, đến nỗi có lần mình bị đồng nghiệp nhắc là you should have your own opinion, vì đã quen với phong cách ở nhà là ngồi yên khi họp. Cũng chẳng có ai ở đây quy định giờ giấc làm việc, bạn hoàn toàn có thể đến công ty lúc 6 giờ sáng hoặc về lúc 12 giờ trưa, thậm chí làm việc ở nhà tùy ý, miễn là xong việc. Tự do luôn đi đôi với trách nhiệm, một cơ cấu như thế đòi hỏi (và thúc đẩy) tinh thần trách nhiệm rất cao.

Sứ mệnh của công ty mình là giúp dân chủ hóa bóng đá (democratize football), vốn dĩ vẫn được cho là bị thao túng lũng đoạn bởi tiền bạc, nhà cái và tổ chức FIFA. Sứ mệnh này giúp toàn bộ team tập trung nhìn về một hướng, về một mục tiêu. Trước khi phát triển một chức năng nào đó, chúng mình đều tự hỏi nhau là liệu chức năng này có giúp chúng mình tiến gần tới việc thực hiện sứ mệnh hay không. Và nếu ai đó không đồng ý, chức năng đó sẽ được thảo luận điều chỉnh sao cho phù hợp với mục tiêu.

3. Khuyến khích phát triển bản thân

Team mình khá nhiều thứ benefit khá cool, mình thích nhất là 10%-time. Đó là bạn có quyền trích ra 10% thời gian làm việc mỗi tuần, thường thì vào chiều thứ hai, để học hỏi và xây dựng bản thân. Có người dùng thời gian này để viết một ngôn ngữ mới, có người đóng góp cho các phần mềm mã nguồn mở. Mình cũng đã phát triển worque, nabo, 3llo hay học Rust, viết các bài trên blog này (cũng như bài viết này) trong 10%-time của mình. Mình tự hào vì thấy bản thân hoàn thiện lên sau mỗi chiều thứ hai.

Nhân viên công ty cũng được khuyến khích đi tham dự các conference và được công ty tài trợ toàn phần chi phí. Mình đã sử dụng benefit này để tham dự ElixirConf EU 2017 và sắp tới là Euruko 2017, trong khi nhiều người còn được mời đi Google I/O và Apple WWDC ở Mĩ.

Không chỉ về kỹ thuật, công ty còn tạo điều kiện cho nhân viên tham gia các hoạt động nâng cao sức khỏe. Các hoạt động Yoga, leo núi và trượt tuyết được tổ chức khá thường xuyên.

Kết luận

Tóm lại thì mình thấy một team tốt sẽ hội tụ ba yêu tố:

  • Trả lương tương xứng với cống hiến và năng lực.
  • Có văn hóa tốt tạo điều kiện cho nhân viên cống hiến.
  • Khuyến khích cho nhân viên phát triển bản thân.

Còn theo bạn thì sao? Để lại comment bên dưới nhé.


NGUY HIỂM! KHU VỰC NHIỀU GIÓ!
Khuyến cáo giữ chặt bàn phím và lướt thật nhanh khi đi qua khu vực này.
Chức năng này hỗ trợ markdown và các thứ liên quan.

Bài viết cùng chủ đề

Viết cho tuổi 20

Bài viết mà thằng chả chém gió về tri túc các kiểu…

Code Đức

Là một developer tất nhiên bạn phải chuyên nghiệp với nghề của mình. Thế nhưng chuyên nghiệp là như thế nào? Và bạn, một developer, sẽ phải hành xử ra sao mới được xem là chuyên nghiệp?

Vô chiêu thắng hữu chiêu