Quần Cam

Ông lão đánh cá và con Vàng - Tự thắc mắc, tự hỏi và tự trả lời

Nếu bạn nghĩ mình gõ tựa đề thiếu thì … bạn lầm rồi.

Chuyện là

Nếu bạn từng đọc qua truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao, vậy hẳn bạn không lạ gì “nhân vật” Vàng trong truyện. Vàng sau khi bị lão Hạc bán đứng đã sống cho trọn kiếp chó cơ cực của nó, giờ đã hóa kiếp con cá Vàng trong câu chuyện cổ tích mà bạn đang nghĩ đến.

Kiếp trước Vàng vì lầm tin lão Hạc, không hỏi một lời mà theo chân người mua chó. Vàng cay lắm nên quyết tâm kiếp này bất cứ việc gì cũng phải hỏi cho ra bắp ra khoai.

Chuyện bắt đầu từ sau khi xin được cái máng lợn, cái căn nhà và cả một lâu đài to hơn nhà các quan tham, mụ vợ tham lam của ông lão vẫn không dừng lại và bảo lão đi bắt cá vàng cho mụ ta làm Lord of the Seas - Chúa tể của những cái biển.

Thất thất thểu thểu, lão đi ra biển và triệu hồi Vàng:

- “Vàng ơi, lên đây lão nhờ phát nào?”

- “Ôi cái lão già này, lại có việc gì nữa đây? Chả phải lão đã có nhà, lâu đài và tất cả rồi sao?”

- “Lão muốn Vàng cho vợ lão làm Lord of the Seas.”

- “Tổ cha vợ lão khôn thế, mụ ta muốn trở thành chủ của ta sao?”, Vàng chửi thầm trong bụng, hẳn kiếp trước nữa Vàng tên Phèo.

Tất nhiên là Vàng sẽ không đời nào cho phép bất cứ một lão Hạc thứ hai xuất hiện trong cuộc đời mình nữa. Bài học nhãn tiền vẫn còn đó, Vàng lẩm nhẩm trong miệng “thằng chủ nào rồi thì cũng bán mình thôi”. Cơ mà Vàng vẫn muốn giúp ông lão vì hẳn có nguyên nhân gì mới khiển lão muốn thế.

May sao nhờ hay đọc sách và lướt Facebook (tác giả cũng không ngờ dưới biển có iPad), Vàng biết được kĩ thuật 5 Whys. Đó là một kĩ thuật đặt các câu hỏi “Tại sao” để tìm ra ngọn nguồn vấn đề. Hay quá Vàng áp dụng ngay tức lị.

Vàng: Tại sao lão muốn vợ lão làm Lord of the Seas?

Ông lão: Bởi vì nếu không vợ tôi sẽ hành hạ tôi đến chết mất.

Vàng: Vì sao vợ lão lại hành hạ lão, chẳng phải lão yêu thương vợ lão lắm sao?

Lão: Sau khi có tất cả, giờ đây vợ tôi đã đổi tính và thường xuyên hành hạ tôi.

Vàng: Vì sao việc có tất cả lại làm vợ lão đổi tính?

Lão: Vật chất đủ đầy sẽ làm con người thay đổi.

Và chưa cần phải hỏi hết 5 câu hỏi “Tại sao”, Vàng đã hiểu rõ cốt lõi của vấn đề và lấy lại tất cả những thứ đã ban cho ông lão.

Ừa thì Vàng khốn thật.

Ứng dụng

5 whys được phát triển bởi một bác người Nhật tên là Sakichi “Maria” Toyoda ban đầu dùng cho hãng Toyota. Nó là một trong những kĩ năng problem-solving cơ bản mà ta có thể ứng dụng để tìm ra nguyên nhân sâu xa của vấn đề.

Các bước thực hiện

  1. Đặt ra vấn đề một cách cụ thể và chi tiết.
  2. Đặt câu hỏi tại sao vấn đề đó lại xảy ra và trả lời.
  3. Nếu bạn nghĩ đáp áp đó chưa phải là nguyên nhân cốt lõi (root cause), quay lại bước 1 với đáp án đó là vấn đề và làm cho đến khi nào toàn bộ team nghĩ rằng đó là nguyên nhân cốt lõi.

Ví dụ

Vấn đề: Hệ thống ngừng hoạt động trong sáng nay.

1st Why: Vì sao hệ thống ngừng hoạt động sáng nay?

Bởi vì database server đột nhiên lăn ra chết.

2nd Why: Vì sao database server lại đột nhiên lăn ra chết?

Bởi vì có một câu query không timeout khiến cho các server không tìm thấy nhau.

3rd Why: Vì sao câu query đó không timeout?

Vì hệ thống của chúng ta cài đặt thời gian timeout là vô cực.

Tất nhiên là nếu bạn không nghĩ đó là root cause thì bạn hoàn toàn có thể tiếp tục hỏi Why, hỏi đến khi nào đồng bọn quay qua tán vỡ mặt thì thôi.

Một số chú ý

  • Cố gắng đừng trả lời theo kiểu “Bởi vì thằng A code cái chức năng gì mà câu query chạy đến 8 tiếng mới xong” hay “Thằng B cài đặt server kiểu gì mà set timeout là vô cực”, hãy tập trung vào vấn đề thay vì con người.
  • Không bao giờ chấp nhận một root cause là “sai lầm con người”, sai lầm con người hầu như lúc nào cũng có nhưng process sẽ là thứ giúp giảm bớt chúng.
  • Đừng kết luận hàm hồ, từng bước đặt câu hỏi và trả lời vấn đề.

NGUY HIỂM! KHU VỰC NHIỀU GIÓ!
Khuyến cáo giữ chặt bàn phím và lướt thật nhanh khi đi qua khu vực này.
Chức năng này hỗ trợ markdown và các thứ liên quan.

Bài viết cùng chủ đề

Viết cho tuổi 20

Bài viết mà thằng chả chém gió về tri túc các kiểu…

Vô chiêu thắng hữu chiêu

Code Đức

Là một developer tất nhiên bạn phải chuyên nghiệp với nghề của mình. Thế nhưng chuyên nghiệp là như thế nào? Và bạn, một developer, sẽ phải hành xử ra sao mới được xem là chuyên nghiệp?