Quần Cam

Định hướng

Đã có những lúc tôi nghĩ rằng nên bỏ học vì tôi không hợp với ngành này, rồi tìm một công việc tay chân nào đó làm cho xong.

Tôi vốn không phải dạng thích máy tính từ nhỏ hay có năng khiếu về tin học. Tận năm lớp 10 (2006) tôi mới lần đầu tiên đụng vào một chiếc máy tính, tạo cho mình một tài khoản Yahoo! thật sến súa, và tập tành chat chít này nọ. Mặc dù vậy, sau khi có máy tính, tôi vẫn thích đi đá cầu, đá banh hơn là ngồi hàng giờ trên máy tính để vọc vạch hay chơi game. Ai từng chơi Võ Lâm với tôi đều biết tôi chỉ online để cho đủ người đi Liên Đấu.

Sở dĩ tôi theo học ngành CNTT cũng vì một lí do hết sức tào lao: thằng bạn thân của tôi chọn thi ngành này, và năm đó gần như 80% lớp tôi chọn thi trường Kinh Tế (tôi thuộc dạng thích chống-lại-mọi-người, cái người ta hay làm thì tôi không làm). Thậm chí đến tận năm 2, tôi vẫn tưởng học xong sẽ ra làm lắp ráp máy tính ở Phong Vũ hay Hoàn Long gì đó; tôi còn từng khoe với ai đó là năm 4 tôi sẽ được học chế tạo robot vì hiểu nhầm chữ “Automat” trong cuốn sổ tay sinh viên. Trớ trêu cái nữa là thằng bạn tôi bỏ học ngay năm thứ hai đi Mĩ. (╯°□°)╯︵ ┻━━━━┻. Tôi lạc lõng, không biết ra trường làm gì, sau này hỏi mới biết thì ra lúc đó nó cũng không biết.

Sau này ra trường, tôi may mắn được một người bạn chơi với nhau khá thân (hy vọng nó cũng nghĩ thế) giúp tôi định hướng về ngành, tôi dần dà nhận ra được mình cần phải đầu tư thời gian học cái gì, trau dồi thêm những kiến thức gì. Tôi thật lòng biết ơn người bạn ấy.

Tôi đoán rằng chắc phải có đến 50% sinh viên CNTT hiện tại không thể hình dung được công việc của mình sau khi ra trường. Nếu bạn thắc mắc về nguồn của con số thì là do tôi bịa ra (blog của tôi mà). Đương nhiên có nhiều bạn sinh viên rất giỏi, ngay từ đầu đã định hướng rõ ràng con đường của mình - tôi ganh tị và khâm phục các bạn, nhưng nếu bạn không có được sự may mắn đó, đừng quá lo lắng vì bạn chia sẻ chung vấn đề với hàng nghìn, hàng triệu các bạn sinh viên khác, các bạn chỉ đơn giản là sản phẩm của một nền giáo dục vị chính trị và trọng thành tích của nước nhà. Đương nhiên, đó là một vấn đề khác và chắc chắn tôi sẽ viết về giáo dục Việt Nam ở một bài viết khác.

Trở lại của bài viết của chúng ta, nếu bạn là một sinh viên đang bị mất định hướng, bạn đã rất cố gắng nhưng tình hình vẫn không được cải thiện, bạn nên làm gì?

Đầu tư nhiều thời gian hơn

Thường thì khi bạn nói rằng: “Tôi đã rất cố gắng nhưng vẫn không thể XXX”, có nghĩa là bạn vẫn chưa đủ cố gắng, hoặc cố gắng sai chỗ.

Để học tốt, bạn cần đầu tư nhiều thời gian công sức vì kiến thức không thể được tích lũy một sớm một chiều. CNTT nói riêng hay ngành máy tính nói chung là một ngành khó và đòi hỏi một quá trình tích lũy kiến thức lâu dài và liên tục.

Hãy cố gắng tìm tòi trên mạng (Google là thầy của bạn), đọc thật nhiều sách (đến giờ tôi vẫn rất tiếc về việc tôi đọc quá ít sách thời sinh viên), giao du với các nhóm bạn yêu thích lập trình khác (thay vì ăn nhậu), và làm mọi thứ mà bạn tin rằng nó sẽ giúp bạn học tốt lên.

Theo kinh nghiệm của bản thân tôi, khi kiến thức tích lũy được dầy hơn theo thời gian, bạn sẽ dần dần mô hình hóa được chúng lại với nhau, điều đó giúp cho việc học của bạn tốt lên. Tất nhiên chẳng ai lại không thích thứ mình có thể làm tốt.

Đặt câu hỏi cho giảng viên

Tôi thấy có nhiều bạn bị mất kiến thức nền là do lười hỏi bài giảng viên.

Khi bắt đầu một học kì, giảng viên hay để lại địa chỉ email và website để bạn có thể dễ bề liên lạc; thậm chí ở trường của tôi còn bố trí giáo viên chủ nhiệm cho mỗi lớp. Cho nên nếu bạn nhận thấy bản thân đang bị lạc lõng và mất phương hướng, giảng viên sẽ là những người rất phù hợp để đưa ra những lời khuyên cho bạn.

Nhiều bạn ngại hỏi giảng viên vì một số người trong họ chỉ đi dạy theo kiểu cho có, tuy vậy tôi cũng từng nghe khá nhiều bạn chia sẻ về việc giảng viên đã giúp đỡ họ rất nhiều trong quá trình học như thế nào.

Dù sao đi nữa, đừng ngần ngại mà đặt câu hỏi cho giảng viên, bạn là người trả lương cho họ, quyền hỏi và quyền được trả lời tất nhiên luôn là của bạn.

Theo đọc các blog lập trình

Một số blog lập trình bằng tiếng Việt khá hay mà tôi biết là Tôi Đi Code Dạo, Codeaholicguy hay The Full Snack. Họ là những lập trình viên đã đi làm và có nhiều bài viết rất hay chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình làm việc. Đọc blog của họ sẽ giúp bạn mường tượng ra được công việc của bạn trong tương lai là như thế nào (như là bạn sẽ không đi lắp ráp máy chẳng hạn).

Tham gia các nhóm lập trình

Một điều mà các bạn may mắn hơn các sinh viên mười năm về trước là hiện tại các nhóm lập trình đang nở rộ. Có hằng hà sa số các nhóm như Ruby Vietnam, Kipalog hay Grokking. Chỉ cần tạo một tài khoản, bạn đã cho mình cơ hội được tiếp cận với trí óc của các kĩ sư người Việt giỏi trên khắp thế giới. Thậm chí trên Slack của nhóm Ruby Việt Nam còn dành hẳn một phòng #newbie cho các bạn sinh viên và người mới đi làm đặt câu hỏi về các vấn đề gặp phải trong quá trình làm việc. Hãy tỏ ra thiện chí và có thái độ cầu thị, đồng thời đặt đúng câu hỏi, tôi tin chắc rằng bạn sẽ nhận được nhiều hơn so với bạn tưởng tượng.


Lời cuối: Tôi sẵn sàng giúp giải đáp các câu hỏi mà các bạn đặt ra về định hướng qua hộp thư điện tử của tôi tại [email protected], hoặc PM tôi trực tiếp qua nick @hqc trên Slack của Ruby Việt Nam. Tôi sẽ cố gắng trả lời trong phạm vi kiến thức mà tôi biết hoặc lái các bạn qua một người khác có kiến thức tốt hơn.

Bạn cũng có thể để lại comment bên dưới.

Bằng tất cả trái tim của mình, tôi chúc các bạn thành công.


NGUY HIỂM! KHU VỰC NHIỀU GIÓ!
Khuyến cáo giữ chặt bàn phím và lướt thật nhanh khi đi qua khu vực này.
Chức năng này hỗ trợ markdown và các thứ liên quan.

Bài viết cùng chủ đề

Viết cho tuổi 20

Bài viết mà thằng chả chém gió về tri túc các kiểu…

Code Đức

Là một developer tất nhiên bạn phải chuyên nghiệp với nghề của mình. Thế nhưng chuyên nghiệp là như thế nào? Và bạn, một developer, sẽ phải hành xử ra sao mới được xem là chuyên nghiệp?

Good team, bad team

Đây là câu hỏi rất hay được tranh luận trên các diễn đàn. Có người bảo công ty cứ trả lương cao là tốt, có người cho rằng chỉ có công ty product mới có thể là good-team, có luồng ý kiến khác lại nói văn hóa công ty sẽ quyết định sự thành bại của một team.