Quần Cam

[Sách hay nên đọc] The Shortest History of Europe

Nếu như bạn đang tìm một cuốn sách cho dịp hè, The Shortest History of Europe là một lựa chọn khá tốt dành cho bạn.

shortest-history-of-europe

Sau chuyến đi Ý được đắm chìm trong văn hóa Phục Hưng và chiêm ngưỡng các tàn tích của La Mã cổ đại mặc dù không biết cái mô tê gì về lịch sử của chúng, mình đã quyết định đã đến lúc cần phổ cập cho bản thân về lịch sử Châu Âu. Và mình đã mua cuốn sách này và một cuốn khác nữa (có thể mình sẽ giới thiệu sau).

Thời phổ thông chắc môn Lịch sử đã nhẹ nhàng lướt qua cuộc đời chúng ta tựa như lông hồng mà không lưu lại bất kì ấn tượng nào, ngoài những chuỗi sự kiện nhạt như “Kê lặc” của Dương Tu. Tôi vẫn còn tức điên khi nhớ lại lần kiểm tra 15’ môn Lịch sử được 0 điểm vì không ai nhắc chữ đầu của II phần 1a…

Với The Shortest History of Europe, tác giả John Hirst không đi theo luồng tuyến tính quen thuộc của một cuốn sách Lịch sử với những số liệu khô khan như “ở chiến dịch Biên Giới năm 1950, quân ta đã tịch thu và tiêu hủy 67.398 cái quần đùi của giặc nhưng chỉ hy sinh 243 cái quần lót”, hay ngày tháng năm siêu khó nhớ như “ngày 05/06/1911 Bác đã xuất cảnh trên con tàu La-tút Trê-vin và trở về nước tại Cao Bằng ngày 28/01/1941 (nơi đã diễn ra sự kiện Bác hôn đất) sau 10.830 ngày, ý nghĩa của việc này là giao thông công cộng thời đó kém phát triển vãi”. Cuốn sách này hoàn toàn không theo lối mòn này, mà thông qua ba nhân tố chính mà John Hirst cho rằng đã quyết định lịch sử của Châu Âu: a)Hy Lạp La Mã cổ đại, b)người Ottoman và c)Thiên Chúa giáo, tác giả đã rất khéo léo lồng ghép đan xen những sự kiện giúp người đọc nắm được quá trình phát triển lịch sử văn hóa của lục địa này, hẳn bạn cũng hết sức tò mò vì sao máy bay, xe hơi được phát minh ở Châu Âu mà không phải một lục địa khác phải không?

Đầu tiên là Hy Lạp và La Mã cổ đại. Lịch sử của Hy Lạp cổ thì đã quá nổi tiếng với những nhà triết học nổi tiếng như Socrates hay Aristotle rồi. Đến nỗi mà sau này khi người La Mã thống trị Châu Âu, họ cũng tiếp thu và kế tục ngôn ngữ, chính trị, khoa học của chính nền văn hóa này.

Nguyên tố thứ hai là người Ottoman, những người chủ của Châu Âu sau này. Có một chi tiết khá thú vị ở phần này là người Ottoman vốn dĩ mù chữ nhưng giỏi đánh đấm đã chiếm được Châu Âu vì đế quốc La Mã tự tan rã. Ngạc nhiên hơn là thay vì họ thúc ép bên thua cuộc phải đi theo văn hóa mù chữ của họ (như đi lên XYZ chẳng hạn), họ lại học hỏi chính văn hóa, tôn giáo và chế độ chính trị của người La Mã.

Cuối cùng là Thiên Chúa giáo, một tôn giáo được bắt nguồn từ Trung Đông nhưng sau này lại trở thành tôn giáo chính của Châu Âu (chẳng trách được tụi Trung Đông cứ mãi nói Chúa của chúng nó mới là chính chủ), trước đó thì Châu Âu vẫn thờ các thần Hy Lạp như Zeus hay Venus (xem phim Ben Hur bạn sẽ thấy có một đoạn kể về người em La Mã cầu nguyện cho người anh Do Thái nhưng bị người mẹ gạt phắt đi vì cho rằng thần của họ khác nhau). Đây là một phần khá hay trong sách với nhiều câu chuyện hay và đã giúp mình phần nào hiểu được vì sao Đức Giáo Hoàng lại có tầm ảnh hưởng lớn như vậy.

Tất nhiên là còn rất nhiều giá trị hay và nhân văn trong cuốn sách nhưng viết nữa thì thành ra “spoil”, mình đánh giá 4/5 cho cuốn sách này và rất khuyên đọc nếu bạn muốn tìm hiểu về lịch sử của Châu Âu.


NGUY HIỂM! KHU VỰC NHIỀU GIÓ!
Khuyến cáo giữ chặt bàn phím và lướt thật nhanh khi đi qua khu vực này.
Chức năng này hỗ trợ markdown và các thứ liên quan.

Bài viết cùng chủ đề

[Review sách] Never Split the Difference: Negotiating As If Your Life Depended On It

Review sách và những gì bạn có thể học để áp trong cuộc sống, công việc và TĂNG LƯƠNG.

[Review sách] Nhật ký hành trình xuyên châu Mĩ La-tinh

Nhật ký hốt sh*t—Chuyện về cái service A

Bài viết mà thằng chả chém gió về cách chả monitoring và debug một sự cố gặp phải khi vận hành hệ thống Elixir